Kiến trúc chữa lành tập trung vào việc thiết kế các không gian để thúc đẩy quá trình phục hồi, bảo vệ sức khoẻ, loại bỏ sự căng thẳng từ môi trường, đem lại một cuộc sống chất lượng cho con người.
Từ trước đến nay, đa phần mọi người không quá chú trọng vào giá trị của ngôi nhà, cho rằng đó chỉ đơn giản là nơi để ở, để trở về sau một ngày làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, khi đại dịch covid xuất hiện, thời gian tương tác với ngôi nhà tăng lên khiến con người dần nhận ra không gian ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, đến cách chúng ta tồn tại và đến cả sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần bên trong.
Tại thời điểm dễ tổn thương nhất, con người ý thức hơn bao giờ hết rằng nhà là nền tảng cơ bản, thiết yếu để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp và lành mạnh. Cũng từ đó, kiến trúc cũng dần chuyển mình đi theo những giá trị về mặt vô hình, bên cạnh xây dựng các hình khối vững chắc còn tạo nên được những giá trị truyền tải ý nghĩa, một không gian đúng nghĩa là nhà.
Kiến trúc không phải là việc kiến tạo nên một không gian mang đậm tính nghệ thuật, suy cho cùng, đích đến của kiến trúc chính là phát triển về thân – tâm – trí của con người, mang lại những trải nghiệm tích cực khi con người tương tác cùng không gian sống.
Các yếu tố tạo nên một kiến trúc chữa lành
Chữa lành những tổn thương về mặt tinh thần là hành trình đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực từ mỗi cá nhân, các mối quan hệ xung quanh và từ cả môi trường sống. Con người cảm nhận không gian qua 5 giác quan, bản thân người kiến trúc sư phải thật sự thấu hiểu khách hàng của hình, sáng tạo nên một không gian sống kích thích sự tương tác và cảm xúc của con người. Điều này không chỉ đòi hỏi kiến trúc sư phải giỏi, mà họ phải thật sự có tâm để đặt mình vào khách hàng, tưởng tượng như đang tạo ra một không gian trị liệu cho chính mình.
Để biến ngôi nhà thành nơi chữa lành, xoa dịu mọi cảm xúc tiêu cực, cần lưu ý đến những yếu tố sau:
Ánh sáng trong kiến trúc chữa lành
Ánh sáng tác động đáng kể đến thị giác của con người, từ đó sinh ra những cảm nhận về mặt vô hình như cảm xúc. Tuỳ vào cường độ hay sắc thái của ánh sáng sẽ truyền đạt những cảm giác khác nhau. Ánh sáng ấm áp có thể làm cho không gian trở nên dễ chịu và thư giãn hơn, trong khi ánh sáng lạnh sẽ khiến tổng thể khối kiến trúc được thu hút hơn.
Sự kết hợp giữa ánh sáng và màu sắc trong không gian nội thất cũng ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của con người. Bên cạnh việc ánh sáng là yếu tố thúc đẩy sự thư giãn và nghỉ ngơi, nó còn có thể tăng tính tập trung và tỉnh táo trong công việc. Đặc biệt, ở một số không gian mang tính nghệ thuật cao, ánh sáng cũng có thể gây ấn tượng mạnh, kích thích sự hứng thú của con người với không gian.
Màu sắc
Màu sắc là một trong những yếu tố quan trọng trong kiến trúc chữa lành. Khi tăng cường về cảm giác của màu sắc trong không gian, con người sẽ kiểm soát tốt hơn về cảm xúc của chính mình. Từ đó, cơ thể và tâm trí sẽ nhất thể hoà hợp, tạo điều kiện tốt hơn cho quá trình phục hồi những thương tổn ẩn bên trong của con người.
Màu sắc được sử dụng khéo léo và tinh tế sẽ làm cho người dùng cảm thấy thoải mái và bình an hơn so với cuộc sống bên ngoài ẩn chứa nhiều lo âu và căng thẳng.
Những người đang có vấn đề về cả sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần rất cần một không gian đem lại sự bình yên. Những màu sắc mang đến vẻ đẹp dịu mát của thiên nhiên như màu trắng, xanh, vàng nhạt hay các màu trung tính hoàn toàn có thể mang vào không gian sống, giúp ngôi nhà có cảm giác được nới lỏng về phần diện tích và lan toả bầu không khí vô cùng thanh thoát, thuần khiết.
Vật liệu
Ở những kiến trúc chữa lành, kiến trúc sư sẽ cố gắng giữ nguyên những đặc tính vốn có của vật thể, sử dụng ngay từ chính những điều giản đơn nhất để mang lại sự nhẹ nhàng cho con người khi sống trong không gian. Chính vì thế, tính tự nhiên là đặc trưng quan trọng không thể thiếu trong tổng thể của một kiến trúc chữa lành. Sự tự nhiên đó cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó phần lớn được tạo ra từ vật liệu nội thất có nguồn gốc tự nhiên.
Đây là loại vật liệu có độ bền cao, thân thiện với môi trường, cải thiện không khí trong nhà và tác động tích cực đến tâm sinh lý của con người. Các loại vật liệu phổ biến như gỗ, gạch, đá, kim loại, … sẽ truyền tải những cảm xúc trong không gian một cách tốt nhất. Hơn thế, khi giảm thiểu sử dụng những vật liệu công nghiệp, con người sẽ không còn cảm thấy ngột ngạt và bí bách.
Yếu tố thiên nhiên
Theo một cách bản năng, con người luôn có một sợi dây liên kết mãnh liệt với thiên nhiên. Khi con người được trở về với môi trường thiên nhiên, mọi cảm xúc tiêu cực sẽ được thay thế bằng những điều tốt đẹp, mọi suy nghĩ hỗn độn sẽ chuyển thành trạng thái bình tĩnh trở lại.
Xã hội phát triển với sự gia tăng của đô thị hoá khiến con người ngày càng xa rời khỏi thiên nhiên. Chính vì thế, để con người có được không gian thoải mái, thư giãn, kiến trúc sư đã đem thiên nhiên vào trong ngôi nhà, bố trí các mảng xanh dịu mát ở khắp các khu vực công năng. Nhờ vào việc kết nối giữa phần bên trong và bên ngoài của ngôi nhà, con người đã hình thành mối liên kết sâu sắc hơn với thiên nhiên.
Cách tạo ra không gian
Đối với những người đang cần sự chữa lành, họ sẽ mong muốn tránh xa khỏi những sự tiêu cực của thế giới bên ngoài để quay về kết nối với chính mình. Vì thế, ngôi nhà cần có sự riêng tư vừa đủ, ngăn cách khéo léo so với môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, không nên tách biệt hoàn toàn với cuộc sống, điều này cũng sẽ không tốt cho quá trình chữa lành của con người. Một không gian được thiết kế với những khoảng mở vừa đủ cùng với sự khai thác màu sắc của thiên nhiên sẽ là một không gian lý tưởng dành cho những người đang có nhiều sự tổn thương.
Những kiến trúc chữa lành tạo điều kiện để khơi gợi cảm xúc, làm thay đổi tích cực trong nhận thức và tâm trạng của con người khi tương tác với không gian.
Xem thêm:
- Vẻ đẹp của ánh sáng trong kiến trúc
- Liệu pháp chữa lành cảm xúc thông qua màu sắc trong không gian sống
- Gạch thẻ – Chất liệu tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho ngôi nhà
Liên hệ:
Hotline: 090 713 73 33
Địa chỉ:
- Chi nhánh 1: 37 Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
- Chi nhánh 2: 145 Hàn Thuyên, Hải Châu, Đà Nẵng